VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
LỊCH SỬ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN BỘ MÁY
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đã đến đồng thời cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Trường Chinh làm chủ tịch. Ðêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, kêu gọi toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội này thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh
, chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Từ ngày 14/8/1945 một số cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại và chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã quyết định phát động nhân dân khởi nghĩa tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung như Thanh Hóa, Thái Bình, Khánh Hòa... buộc Đế quốc Việt Nam giao chính quyền cho nhân dân. Cuộc khởi nghĩa lan rộng ra khắp cả nước.
Ngày 19/8/1945, Việt Minh tổ chức một cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Sau đó một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, cơ quan đầu não của chính phủ Đế quốc Việt Nam tại miền Bắc, và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào. Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuân Chữ (người mới đứng ra thay thế ông Phan Kế Toại) bị bắt giữ và đưa về An toàn khu tại Hà Đông. Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương (tổ chức nòng cốt của Việt Minh) đóng vai trò chỉ đạo chung thống nhất, đưa ra các quyết sách tổ chức tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay chính quyền Đế quốc Việt Nam thân Nhật và lực lượng quân đội đế quốc Nhật Bản, dù trên thực tế ở một số tỉnh thành chưa có hay khôi phục lại tổ chức đảng. Tại miền Bắc, một số tỉnh chưa có tổ chức đảng nhưng mặt trận Việt Minh hoạt động rất mạnh hầu khắp các tỉnh thành. Tại miền Trung, hoạt động của mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản khá mạnh. Trong khi đó ở Nam Bộ, hoạt động của Việt Minh có phần yếu hơn, Đảng Cộng sản chưa khôi phục đầy đủ sau Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong Cách mạng Tháng Tám, tổ chức Việt Minh đã thu hút được cả lực lượng Thanh niên tiền tuyến do Chính phủ Đế quốc Việt Nam thành lập gia nhập Mặt trận Việt Minh. Tại một số tỉnh Nam Bộ, Thanh niên tiền phong đóng vai trò quan trọng giành chính quyền.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ Môn và sau đó trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu. Bảo Đại trở thành "công dân Vĩnh Thụy". Bản Tuyên ngôn Thoái vị có câu nói nổi tiếng "Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị".
Ngày 27 tháng 8 năm 1945, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhiều Ủy viên Việt Minh trong Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam đã tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ để mời thêm nhiều nhân sĩ ngoài Việt Minh tham gia. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (đây cũng là ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay), sau Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. Hiến pháp thông qua ngày 9 tháng 11. Trong giai đoạn đầu khi thành lập chính quyền toàn quốc, Việt Minh mà Đảng Cộng sản làm nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo. Trong một thời gian ngắn chính quyền bao gồm nhiều tổ chức, đảng phái chính trị tham gia ở cấp trung ương và địa phương (Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Trốtxkit, Cao Đài, Hòa Hảo,...). Sau một thời gian vài năm hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản ra hoạt động bán công khai trong tổ chức Việt Minh và Liên Việt, và từ năm 1951 hoạt động công khai chính thức giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước. Tham gia chính quyền sau năm 1954 còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Lao động lãnh đạo.
NGUỒN : WIKIPEDIA PHÁP , VIỆT NAM TƯ LIỆU " Lịch sử Đông Dương " 1957 của Áo CÁC NGUỒN KHÁC