Bùi Thị Xuân. Tác giả: Đỗ Duy Anh.
Đầu tiên, với những người không đụng vào quyển sách bao giờ, thì tài liệu đầu tiên họ nghĩ đến là Wikipedia. Họ thường nghĩ đến Bùi Thị Xuân với cái chết bi tráng. Wikipedia, truy cập ngày 22/1/2018 viết:
Điều đầu tiên, ta phải đặt ra câu hỏi: de la Bissachère là ai?
Pierre-Jacques Lemonnier de La Bissachère sinh khoảng 1764 tại Angers. Học đạo. Gia nhập hội Thừa sai Ngoại quốc Paris. Tháng 3/1790, ông rời Orient; sang Bắc Hà hoạt động ở vùng Nghệ An. Theo Maybon, năm 1795, đạo chúa ở vùng Nghệ An bị đàn áp, ông phải trốn tránh. Năm 1798, 1799, có những đàn áp mới, Bissachère phải sống chui nhủi khổ cực. Tới 1800, tình trạng khá hơn, Bissachère trở lại Nghệ An. Khi Gia Long đánh ra Bắc, đầu tháng 7/1802 đến Nghệ An, vẫn theo Maybon, Giám Mục Castorie [La Mothe] và La Bissachère đến chào. Năm 1806, Bissachère bị bệnh, phải về Macao, tại đây, năm sau, ông gặp và trao cho viên sĩ quan kỵ binh Renouard de Sainte-Croix, tập bản thảo ký sự của ông, trước khi về Anh tỵ nạn [Hội thừa sai Pháp sau cách mạng 1789 phải chạy sang Anh]. Tại Luân Đôn, sinh sống khó khăn, ông gặp nam tước de Montyon ở Pháp sang tỵ nạn chính trị; có lẽ họ đã trao đổi với nhau về cuốn ký sự này. Năm 1815, Pháp trở lại chế độ vương triều, Louis XVIII lên ngôi, Bissachère về Pháp, trở thành chuyên gia của chính phủ Pháp về tình hình Á Đông, đặc biệt Việt Nam. Ông mất năm 1830 (Theo tiểu sử Bissachère do Maybon soạn trong bài Introduction, Ký sự Bissachère, t. 5). Vị giám mục cai quản địa phận Bắc hà từ 1773 đến 1823 là Jean Labartette. Ông sinh ở Ainhoa, miền nam Pyrénées ngày 31/1/1744, đi truyền giáo ngày 29/11/1773, thăng giám mục năm 1774 và mất ở Cổ-Vưu, thuộc Quảng Trị ngày 6/8/1823 (Launay III, t. 12). Theo thư từ ông viết về hội truyền giáo, ta có thể biết đại lược tình hình: từ 1773 đến 1785: đạo Gia Tô ở Bắc Hà được an toàn. Từ khi Nguyễn Huệ chiếm được chính quyền ở Phú Xuân năm 1786, mọi sự thay đổi: Nguyễn Huệ không thích đạo giáo nói chung, buộc các sư sãi về nhà, làm ruộng, đi lính, đóng cửa chùa chiền, giáo đường và cho lệnh tìm bắt giáo sĩ. Khi Bissachère đến Bắc Hà trong năm 1790, vua Quang Trung đã đuổi xong quân Thanh và thu phục toàn thể đất Bắc, thời điểm này Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An cũng đã xây xong. Bissachère ở trong vùng Nghệ An, chắc là phải chịu sự hà khắc đó.
Trở lại bài viết trên Wikipedia. Ở đây, ta dễ thấy một điểm sai trong lập luận, đó là không chỉ ra chính xác đó là tài liệu nào. Đó là tập La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của ông De La Bissachère – trong bài sẽ gọi tắt là Ký sự).
Ảnh của cuốn La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère trên Amazon. Ảnh: Google image.
Về cảnh nữ tướng bị hành hình, nguyên văn như sau: Le Roy Gia Long étant arrivé à la Capitale de la Cochinchine s'y reposa pendant deux mois ou environ. Ensuite il s'occupa du supplice de ses prisonniers; un de mes gens que j'avais envoyé à la cour, pour m'obtenir une permission du roy et qui fut porté sur la liste de ceux qui pouvoient entrer au palais et se tenir devant Sa Majesté pendant un mois, se trouva de service le jour de l'éxécution, et il la vit tout entière depuis le commencement jusqu'à la fin. A son retour il m'en a fait le récit, je ne puis m'en rappeler aujourd'hui toutes les circonstances qui d'ailleurs sont extrêmement dégoutantes, je ne rapporterai dont ce que je me souviens, ou ce qui m'a frappé le plus du récit qui m'en a été fait et qui depuis a été publique dans tous les états du roy de Cochinchine. Nó được dịch như sau: Vua Gia Long trở về Kinh đô Nam Hà nghỉ ngơi khoảng hai tháng. Sau đó ông lo việc hành hình tù nhân. Một trong những người đầy tớ mà tôi [Bissachère] gửi vào triều để xin vua cho tôi một giấy phép, ở trong danh sách những người có thể vào cung, đứng trước mặt vua trong một tháng, y làm việc trong ngày xử tội, nên y nhìn thấy rõ từ đầu đến cuối. Khi trở về, y đã kể cho tôi nghe, hôm nay tôi không nhớ hết tất cả quang cảnh cực kỳ kinh tởm này, tôi chỉ kể lại những điều khủng khiếp nhất mà về sau mọi người trong nước Nam đều biết.
Đoạn văn này cho thấy bảy điều sau:
1. Việc Gia Long hành hình mà Bissachère mô tả sau đó, không phải là ông ta được xem tận mắt, mà là đầy tớ của ông ta kể lại.
2. Người “đầy tớ” này được ông sai vào triều để xin một giấy phép của vua để làm gì, không được ghi rõ.
3. Tại sao “người đầy tớ” của một giáo sĩ, không có chức gì trong triều đình, lại được quyền đứng trước mặt vua trong khoảng thời gian lên đến một tháng?
4. Nếu như ta tạm hiểu rằng, y được phép hầu Gia Long đến một tháng, vậy tại sao nhà vua lại có chung người hầu với một vị giáo sĩ, mà vị giáo sĩ này vừa phải sống lẩn lút trong rừng?
5. Ngay cả Giám mục Labartette, người cai quản giáo phận Bắc hà (tương đương với Giám mục Bá Đa Lộc ở trong Nam) cũng phải sống lẩn trốn, khi Gia Long chiếm Phú Xuân không dám ra trình diện. Theo thư của Laurent Barisy gửi M. Marchini, ngày 15/7/1801, vua đã sai ông đi kiếm vị thủ lãnh đạo Gia Tô này. Theo Labartette (ông ở Huế) việc được vua vời ra là một ân huệ lớn. Một giáo sĩ vô danh như Bissachère làm sao có thể “giao thiệp” với vua, chưa nói đến việc gửi đầy tớ vào triều, xin vua này thế này, thế nọ?
6. Bissachère không hiểu nghi lễ triều đình nước Nam, hoặc cố tình viết lừa người Pháp rằng triều đình Việt Nam như chỗ không người, ai vào cũng được. Trong những dòng văn này, “thế lực” của Bissachère lớn đến độ có quyền gửi “đầy tớ” vào cung xin giấy của vua. Ông ta không hề biết là sứ thần các cường quốc Anh, Pháp đến xin yết kiến mà không có quốc thư cũng không được vua tiếp.
7. Việc xử tử không thể xảy ra trong cung (palais) như tên “đầy tớ” kể lại.
Sau đó, Bissachere miêu tả việc hành hình Bùi Thị Xuân và con gái: “… ông [Trần Quang Diệu] bị chặt đầu, người con gái tuổi 15, hết sức khả ái, khi cô trông thấy con voi lớn sừng sững tiến đến quật cô, cô hét lên một tiếng thất thanh thê thảm về phía mẹ, nói với bà rằng: “Ôi mẹ ơi cứu con với”! Mẹ cô là người đã cầm đầu quân đội, bảo con: “Mẹ cứu thân mẹ còn chưa được làm sao cứu nổi con. Con phải chịu chết như cha và cả gia đình, còn hơn sống nhục với những kẻ này…” Nhiều người xem muốn cứu cô gái, đã phải quay mặt đi để khỏi nhìn thấy cảnh cô bị hai lần voi tung lên trời, rơi xuống trúng hai ngà voi đâm thủng Khi đến lượt vị nữ anh hùng, tức vợ của vị Thiếu Phó, bà hiên ngang tiến đến trước voi để kích thích nó. Khi bà đến gần, người ta hét lên bắt bà phải quỳ xuống cho voi dễ quật, nhưng bà không quỳ, bà tiếp tục đi tới; người ta kể rằng, mặc dù con vật bị kích thích mạnh, vẫn phải bắt buộc nó mới ném bà lên, vì nó đã nhận ra bà là một trong những chủ cũ của nó; trước khi bị hành hình, người đàn bà can đảm này đã cho đem vào nhà tù nhiều tấm lụa để quấn chân và thân mình tới ngực, tránh cho thân khỏi bị lõa lồ khi chịu cực hình”.
Bỏ qua những chi tiết dư thừa, ta tập trung vào điểm chính: Bùi Thị Xuân đã chết như thế nào?
Đại Nam thực lục (Thực lục) do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, ta thấy tên vị nữ tướng này được ghi chép lần cuối cùng là trong cuộc giao chiến ở cửa biển Nhật Lệ vào tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802) với quân của Nguyễn Ánh, đoạn đó như sau:
Giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Toản sai Nguyễn Quang Thùy và tổng quản Siêu phạm lũy Trấn Ninh, tư lệ Đinh Công Tuyết, đô đốc Nguyễn Văn Đằng, đô đốc Lực (không rõ họ) kết với hơn trăm thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi bày thủy trận ở ngoài cửa biển Nhật Lệ.
Vua Sai Nguyễn Văn Trương điều bát thủy binh ra biển ngăn ngừa, Pham Văn Nhân và Đặng Trần Thường đem bộ binh chia đường chống đánh.
Giặc đến sát lũy Trấn Ninh. Vua sai quân Túc trực ra ụ bắn ở cửa, bắn giết được hơn một nghìn quân giặc. Giặc đem hết quân đến sát núi Đâu Mâu, bám vào như kiến mà bò lên. Quân ta từ trên núi thả đá xuống, quân giặc bị đè chết rất nhiều.
Vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân cưỡi voi thúc quân liều chết đánh từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Vừa gặp thủy binh của Nguyễn Văn Trương, nhân được gió đông bắc đánh phá quân giặc ở ngoài biển, cướp được 20 chiếc thuyền. Bộ binh giặc nghe tin thủy binh thua, sợ mà tan vỡ. Quang Toản chạy về Đông Cao. Nguyễn Văn Kiên đem quân ra hàng…” (ĐNTL, sđd, tr. 479).
Như thế là sau khi giao chiến với quân của Nguyễn Ánh ở lũy Trấn Ninh, quân Tây Sơn do Bùi Thị Xuân chỉ huy đã bị thất trận và tháo chạy. Từ trận đó về sau, không thấy sử nhà Nguyễn nhắc tới tên của bà nữa.
Về việc Nguyễn Ánh xét xử vua quan nhà Tây Sơn. Sách Thực lục chép:
“Nhâm tuất (1802 tháng 11): “Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác.
…Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài.
…Ngày mồng 6 tháng này, tế cáo Trời Đất, ngày mồng 7 yết tế Thái miếu, làm lễ hiến phù, bọn Quang Toản và ngụy Thái tể Quang Duy, Nguyên súy Quang Thiệu, Đốc trấn Quang Bàn, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dúng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ; Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng … (ĐNTL T1, sđd, tr. 531-532).
Qua đó ta thấy trong lễ Hiến phù, bốn người có tội nặng nhất là bốn con vua Quang Trung bị voi xé xác. Còn các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng… cùng với một số võ quan khác đều bị chém. Riêng nữ tướng Bùi Thị Xuân, không thấy sách Thực lục ghi tên bà trong số những vị tướng bị bắt, cũng không thấy tên bà trong danh sách các tướng bị hành hình. Tại sao như vậy?
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, ta thấy trong Đại Nam liệt truyện có đoạn:
Quang Diệu từ Quy Hợp xuống Hương Sơn (Nghệ An), nghe thấy Nghệ An đã phá, bèn qua Thanh Chương sang sông Thanh Long, những người đi theo dần dần tản đi cả. Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống” (Liệt truyện T2, t. 570).
Ở đây ta có thể suy luận rằng, sách Đại Nam liệt truyện vì muốn thuật lại sự kiện bằng một câu chuyện nhưng do dữ liệu không rõ ràng nên người viết đã “suy diễn ra” việc Bùi Thị Xuân bị bắt cùng với Trần Quang Diệu. Nếu đọc kỹ Thực Lục và Liệt truyện về giai đoạn cuối cùng của Trần Quang Diệu, ta thấy ông đã cầm quân từ Qui Nhơn về, lội đèo vượt suối, luôn luôn phải phòng bị quân Nguyễn truy kích mọi ngả; khi bị bắt, cả quân tướng đều hoàn toàn kiệt sức không còn chống nổi nữa. Như vậy thì khó có thể ông gặp được vợ, cũng như Bùi Thị Xuân có muốn đi tìm chồng trong hoàn cảnh thất trận đó cũng khó xảy ra.
Đại Nam thực lục là sách sử biên niên do Quốc Sử Quán biên soạn, chuyên chép những sự kiện diễn ra từng ngày. Sách đã không ghi chép gì về việc Bùi Thị Xuân bị bắt, trong khi họ ghi rất rõ về các tướng khác. Hơn nữa, trong danh sách công khai việc xét xử vua tướng Tây Sơn cũng không thấy ghi tên bà; do đó các tài liệu cho rằng bà bị bắt, cũng như kể lại chuyện bà bị hành hình sau khi Tây Sơn thất trận vẫn phải được coi như là một nghi vấn lịch sử.
Một điểm cần lưu ý là trong đoạn trích trong Thực lục nói trên, ta thấy sách chép là Bùi Thị Xuân đã liều chết để chiến đấu trong trận chiến ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) mà kết quả sau trận đó, quân Tây Sơn thua phải tháo chạy, như thế phải chăng Bùi Thị Xuân đã hy sinh trong trận này? Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn rằng không hề có chuyện Bùi Thị Xuân bị voi giày, và cũng không thể có cuộc đối thoại giữa bà và Nguyễn Ánh: “Ta và Quang Trung, ai hơn?”.
Bài viết có tham khảo các tác giả Thụy Khuê và Tôn Thất Thọ
Về cái chết của vị nữ tướng này mình cũng từng đọc qua một chút trong quyển "vua Gia Long và người Pháp", nó mơ hồ vô cùng khi mà gã cha xứ người Pháp nghe lại từ một hầu cận, tình tiết vua ngự giá xem cảnh xử tử lại càng không có thật, thế mà nhiều người lại quả quyết tin vào một cuốn ký sự thay vì một ít sách sử chính biên :)