
Tranh: Comet Withouse
Ban đầu, chúng tôi không có dự định viết về nhân vật này, bởi tại thời điểm chúng tôi viết bài này thì hầu hết các quản trị viên đều đang ôn thi học kì, ngay đến tôi cũng đang phải ôn. Tuy nhiên, khi nhận được tin nhắn của một bạn sinh viên năm nhất sư phạm lịch sử nhờ chúng tôi viết về bà cho một tiểu luận, chúng tôi mới viết về bà bằng văn phong sư phạm. Do chỉ là một cậu sinh viên năm nhất khoa kinh doanh quốc tế, nên sẽ có một vài vấn đề khi tôi viết bài, nên nếu có mắc sai sót, mong bạn đọc rộng lòng lượng thứ.
Những tài liệu chính sử viết về bà là tương đối ít, nên chúng tôi tham khảo một số nguồn sau:
- Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư, NXB Thời Đại, in theo bản in của NXB Khoa học và Xã hội, 1971-1972)
- Việt Nam sử lược (Sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, 2008)
- Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX (LSVN, bản dịch của Nguyễn Nghị từ nguyên bản Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 của tác giả Lê Thành Khôi, NXB Sud Est Asie, Paris 1982).
- Ỷ Lan nguyên phi (YLNP, tập 17 bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh).
- Wikipedia về Ỷ Lan, truy cập ngày 15/12/2017.
- Bài viết của anh Tôn Thất Minh Khôi trên trang Facebook Thiên Nam lịch đại hậu phi.
Về xuất thân và thời điểm ra đời của bà, cuốn sách ghi chép cẩn thận nhất là Toàn thư lại không đề cập đến. Nữ sĩ Trương Thị Trong thời chúa Trịnh có một tập truyện thơ mang tên Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn, phỏng theo truyện thơ này thì tên bà là Lê Khiết - 黎潔 (thực ra nguyên bản là Lê Khiết Nương - 黎潔娘, nhưng thực tế là không phải vì hậu tố “nương - 娘” được dùng tương đối phổ biến sau tên thật). Theo truyền thuyết, bà sinh ngày 7 tháng Ba năm Giáp Thân (tức 7/4/1044) tại hương Thổ Lỗi (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Về thời điểm bà và Lý Thánh Tông gặp nhau lần đầu, những sách chúng tôi tham khảo viết rất mâu thuẫn với nhau: YLNP viết là năm 1062, Toàn thư viết năm 1063, Hoàng thái hậu viết là 1064. Theo chúng tôi, thời điểm nhập cung chính xác nhất có lẽ là năm 1062; bởi lẽ chồng của bà, đức vua Lý Thánh Tông sinh năm 1023, “40 tuổi chưa có hoàng nam” (Toàn thư, tr. 195), mà đó là tính cả tuổi mụ nữa nên nhà vua 40 tuổi là vào năm 1062 chứ không phải là 1063 như nhiều người hiện đại đang tính. Khi vua Lý đi cầu tự ở chùa Dâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đi qua hương Thổ Lỗi, ngài vén rèm nhìn ra thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo. Sau khi vào cung, bà được phong làm Ỷ Lan phu nhân (倚蘭夫人), nơi ở là Du Thiền các (逰蟾閣). Tên hiệu Ỷ Lan có nghĩa là dựa vào gốc cây lan, Thánh Tông ban phong hiệu này để giữ mãi kỉ niệm đẹp đẽ về lần đầu gặp của hai người.
Khi nhập cung, bà được phong làm Thần phi (宸妃). Để bắt đầu, chúng tôi xin trích một bài viết của anh Tôn Thất Minh Khôi để về phong hiệu “Thần phi” để có thể thấy vị trí của bà trong lòng Thánh Tông Hoàng đế:
Trong số các phong hiệu được ban, có một phong hiệu có thể xem là cực kì cao quý vượt xa các phong hiệu bình thường, phi tần được ban mĩ tự đó nếu không phải được tối ân sủng thì cũng là người mà tầm ảnh hưởng vượt khỏi hậu cung can dự đến cả việc tiền triều. Đó chính là phong hiệu Thần - 宸. Chữ “Thần” ý nghĩa thực khác xa các chữ khác. Nếu các mĩ hiệu khác chỉ dừng lại ở việc mô tả một đức tính tốt đẹp của nữ nhân (Thục, Đức, Hiền, Lương, Huệ, Nhàn, Tuệ, Gia, Du v..v…) thì chữ Thần - 宸 dùng để chỉ ngôi Hoàng đế, là tiếng xưng thay cho Hoàng đế, biểu thị cho tẩm cung của Hoàng đế và còn chỉ đến chòm sao Bắc Thần (tức Bắc Đẩu). Phong hiệu “Thần” bắt nguồn khá xưa, từ thời Đường Cao Tông Lý Trị. Cựu Đường thư chép lại: “Đường Cao Tông phong Võ Chiêu nghi làm chính nhất phẩm Phi, nhưng lúc đó Quý, Thục, Hiền, Đức tứ phi đã đầy đủ nên sáng tạo ra danh hào Thần phi, bị các đại thần phản đối. Tể tướng mật biểu: “Thần phi từ xưa nay không có, việc này không thể thành.” Tuy nhiên Cựu Đường thư cũng có ghi chép khá mâu thuẫn: “Vĩnh Huy năm thứ 6 (655), phế Vương Hoàng hậu, Tiêu Thục phi làm thứ nhân, lập Võ Thần phi làm Hoàng hậu. Võ Hoàng hậu sau này được sách lập, phản hồi mật biểu, gọi Tể tướng là trung công, cũng ban thưởng thêm, nhưng thực ra trong tâm rất ghét.” Như vậy, Đường Cao Tông chính là người đã sáng tạo ra phong hiệu “Thần”, dự định ban cho Võ Chiêu nghi, người mà sau này đã trở thành người phụ nữ quyền lực nhất lịch sử Trung Hoa: Võ Tắc Thiên. Lịch sử Việt Nam có hai nữ nhân nổi tiếng buông rèm nhiếp chính, thâu thóm quyền hành triều chính vào tay: Ỷ Lan nguyên phi và Nguyễn Thị Anh của nhà Hậu Lê, là vô tình hay hữu ý khi cả hai đều từng được ban phong hiệu Thần phi.
Thời kì sống của bà Ỷ Lan là thời kì mà đất nước vẫn còn thịnh hành nhiều chuyện hoang đường, ngay cả đến tận cũng không được tha. Sau khi Ỷ Lan nhập cung được một năm mà vẫn chưa có thai, nhà vua lo lắng sai viên quan Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nhà sư trụ trì là người nổi tiếng có pháp thuật, đã bày cho Nguyễn Bông nấp vào buồng tắm của Ỷ Lan, đợi bà tắm thì hóa thân đầu thai. Âm mưu của viên quan không thành hiện thực bởi Ỷ Lan phát hiện ra và tri hô, khiến viên quan này bị chặt đầu cạnh chùa. Sau vụ việc này, nhà vua vô cùng buồn phiền, lại cho xây chùa nhiều nơi để cầu tự.
Và điều mọi người nước Đại Việt mong mỏi cũng đã đến: Ỷ Lan đã có thai. Giờ Hợi ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (tầm 21-23 giờ ngày 21/2/1066), bà đã sinh được hoàng tử Càn Đức (乾德), ngày hôm sau được lập làm hoàng thái tử. Và để thể hiện sự vui mừng, Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi thành Siêu Loại (vượt lên tất cả), lại phong bà làm Nguyên phi (元妃), đứng đầu các phi tần trong hậu cung, quyền lực chỉ dưới Thượng Dương hoàng hậu mà thôi.
Một điều mà chúng tôi rất ngưỡng mộ ở bà, đó là tinh thần học tập của bà. Bởi lẽ, trong hậu cung, các phi tần chủ yếu dành thời gian chăm chút sắc đẹp và đấu đá nhau để giành tình yêu của vua. Tuy nhiên, không giống như họ, Ỷ Lan, do đọc nhiều sách vở nên đã hiểu biết được nhiều điều chính sự và chia sẻ cùng vua những việc triều chính khó khăn. Ví dụ như một lần vua Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, bà tâu:
Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh ... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt trước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch.
Vì khả năng chính trị sẵn có, nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi người được phân công cai trị đất nước khi Lý Thánh Tông phải đích thân chinh chiến. Tháng Hai âm lịch năm Kỷ Dậu (1069), vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành cùng Lý Thường Kiệt. Toàn thư chép: “Trận này, vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin nguyên phi giúp việc nội trị, trong lòng dân cảm hóa vui vẻ, trong cõi yên tĩnh, tôn sung Phật giáo, nhân dân gọi là bà Quan Âm, vua nói “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì!”. Lần đi đánh nữa, lần này đánh được”.
Tuy nhiên, dẫu sao Ỷ Lan cũng là một con người, và phàm đã là người thì không thể tránh được những kỉ, nộ, ái, ố trên đời. Một vết đen trong cuộc đời bà là việc cuộc tranh chấp ngôi vị nhiếp chính với hoàng hậu đương triều. Trước khi cưới Ỷ Lan, Lý Thánh Tông đã lập chính thất là hoàng hậu Dương thị. Và vì vậy, khi Thánh Tông băng hà và thái tử Càn Đức lên thay tức Lý Nhân Tông, ông đã tôn Dương hoàng hậu làm Thượng Dương Hoàng thái hậu (上楊皇太后), được quyền nhiếp chính như một điều rất bình thường đối với Nho giáo; còn Ỷ Lan nguyên phi chỉ được tôn làm hoàng thái phi (皇太妃), không có quyền xen vào việc triều chính.
Toàn thư, kỷ nhà Lý, quyển III, Lý Nhân Tông chép: “Giam hoàng thái hậu Dương thị, tôn hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh Nhân tính vốn hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không dự chính sự, mới kể với vua rằng: “Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toan để mẹ già này vào đâu?” Vua bèn sai giam Dương thái hậu làm thị nữ 76 người vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông”. Đó là vào năm 1073.
Thực tế, Linh Nhân hoàng thái hậu (từ giờ sẽ gọi bà là Linh Nhân thay vì Ỷ Lan) làm như vậy cũng hợp tình hợp lý, vì trên thực tế, ghen tuông là chuyện bình thường của người phụ nữ, mà thêm điều nữa bà lại là mẹ đẻ của nhà vua, việc không được dự chính sự đã là một điều sỉ nhục, mà trước bà lại từng cai trị đất nước khi vua Lý vắng mặt nữa, đó lại là điều sỉ nhục gấp đôi. Vì vậy, dù Linh Nhân có là người hiền đi chăng nữa, cũng không thể không ngồi không được, nên việc bà “ăn vạ” trước mặt Nhân Tông, âu cũng là điều bình thường.

Minh họa linh hồn Thượng Dương hoàng hậu và 76 thị nữ.
Tranh: Ngô Đăng Thiên
Ngoài ra, một điều khiến cho tôi cho rằng thái hậu Linh Nhân không phải là một người "hiền hậu hư nhân vật cổ tích cô Tấm, đó chính là một hành động phụ trong hành động tranh chấp ngôi vị nhiếp chính. Nguyên là khi còn nhiếp chính cho Lý Nhân Tông nhỏ tuổi, dưới quyền Thượng Dương thái hậu là một vị đại thần, Lý Đạo Thành, từng giữ chức thái sư. Sau khi liên minh cùng thái úy Lý Thường Kiệt hạ bệ Thượng Dương thái hậu, Linh Nhân thái hậu đã biếm Lý Đạo Thành ra Nghệ An. Cần biết rằng, Nghệ An khi ấy là đất "ô châu ác địa", là nơi tận cùng phương Nam của tổ quốc, nên việc đày Lý Đạo Thành ra đó là một bài chính trị rất "bàng môn tà đạo" của Linh Nhân thái hậu và thể hiện một sự thiếu quân tử và cũng sự thiếu tự tin vào sức mạnh chính trị. Bởi lẽ, nếu như bà là một người thẳng thắn, sòng phẳng, thì bà không cần thiết phải làm như vậy. Tuy nhiên, bà đã sửa sai bằng cách đưa Lý Đạo Thành về vị trí cũ 1 năm sau đó, khi quân Tống đang lăm le xâm lược nước ta. Dù có sửa sai như vậy, nhưng điều đó cũng không hề làm tăng sự lung linh vốn đã quá cao của bà đối với chúng tôi.
Để đánh giá sâu hơn về Linh Nhân thái hậu, chúng ta cần phải xét những đóng góp của bà cho xã hội, mà tiêu biểu là hai lần buông mành nhiếp chính và những đóng góp của bà cho phật giáo, và một trong những điều tôi thấy cần phải viết đó là về vụ án hồ Dâm Đàm. Hiện tôi không có những tài liệu ấy bên cạnh nên không thể viết được ngay lúc này. Hẹn bạn đọc lúc khác.
Hà Nội, 16/12/2017.