Ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ giàu có ở Trung Quốc đã gửi con cái của họ đến các trường học ưu tú tại Anh quốc với hy vọng chúng có thể trở thành những người cao quý sau khi tốt nghiệp. Họ sớm nhận thấy rằng các sinh viên gia nhập vào ngôi trường tốt nhất tại Anh quốc, trường Eton, ngủ trên giường ván, ăn các món ăn đơn giản và nhận những sự dạy dỗ hàng ngày khắt khe hơn nhiều so với những trường học thông thường. Họ không thể hiểu được sự liên hệ giữa một lối sống khổ hạnh và một tâm hồn thanh cao.
Thật ra, điều này không lạ bởi vì sự cao quý mà người phương Tây kính trọng không phải là sự cao ngạo của những kẻ gặp thời, mà là sự đề cao danh dự, tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm và kỷ luật tự giác, đó mới là những giá trị cốt lõi. Điều đó không hề đối lập với những người bình thường và cũng không hề tương đương với một cuộc sống xa hoa.
Giàu có và cao quý không như nhau
Tại sao những trường học ưu tú danh tiếng bậc nhất thế giới lại thực hiện quy trình đào tạo khắc nghiệt và nghiêm túc đến như vậy? Đó là để tạo cho sinh viên cách nuôi dưỡng một ý thức hợp tác và kỷ luật tự giác. Sự cao quý thật sự chính là phải có đầy đủ tính tự chủ và năng lực tinh thần. Loại sức mạnh tinh thần đó phải được tạo dựng từ thuở bé.
Đối với nhiều người Trung Quốc, sự quý phái có nghĩa là sống trong một ngôi biệt thự, lái xe Bentley, chơi golf, làm một kẻ tiêu tiền hoang phí và xem người ta như đầy tớ. Trong thực tế, đó không phải là sự cao quý, mà là tâm thần của những kẻ mới giàu lên. Đối với những người Trung Quốc này, sự giàu có và sự quý phái có nghĩa như nhau. Thực ra thì, chúng hoàn toàn khác biệt. “Giàu có” liên quan đến sự sung túc về của cải vật chất trong khi đó “sự quý phái” liên quan đến sự sung túc về tâm hồn.
Thực tế rằng, dù là ở châu Á hay châu Âu, sự cao quý là một điều thể hiện rất rõ ràng. Nếu như ở châu Âu sự cao quý thể hiện rất rõ ràng, thì ở Đông Á, nó cũng được thể hiện một cách rất dễ nhận ra nhưng ít ai để ý. "Ngũ thường" là quy định cho những bậc quân tử thời xưa phải tuân theo. Nó gồm năm đức tính: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; cùng chín tiêu chuẩn và tám bậc thang hành động. Thực tế, để đánh giá một người có phải là cao quý hay không, ta không thể đánh giá dựa trên những thứ trời ban như những gì Nho giáo phê (như ngoại hình, trí tuệ, ...) bởi sự cao quý là do sự nỗ lực mà đạt được.
Đức tính đầu tiên, là Nhân, tức người và người đối xử với nhau bằng tình thương yêu và sự hào hiệp. Khi vua Henry I của Anh mất năm 1135, cháu trai Stephen và cháu nội Henry II của ông đều tự nhận mình là người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Khi đó, Stephen đang ở Vương quốc Anh nên đã được thừa kế ngai vàng. Henry II, lúc này lại đang ở lục địa châu Âu, đã rất tức giận khi nghe tin và tập hợp quân đội tấn công Stephen. Khi ấy, Henry II vẫn còn rất trẻ và chưa có kinh nghiệm nên không có kế hoạch tốt. Khi vừa mới tiến vào bờ biển British Isles (quần đảo ở miền đông bắc Đại Tây Dương, ngăn cách với lục địa châu Âu bởi biển Bắc và biển Manché), đội quân của Henry II đã cạn kiệt tiền và lương thực. Vậy Henry II đã làm gì sau đó? Ông đã làm một việc mà không có bất cứ người Trung Hoa nào có thể làm: viết thư cho Stephen để cầu cứu. Trong thư, ông nói với Stephen rằng ông đã không lên kế hoạch chu đáo và quân đội của ông giờ đây đã hết lương thực. Ông mong Stephen viện trợ để ông có thể đưa đội quân đánh thuê trở về châu Âu. Và Stephen đã rất hào phóng gửi tiền cho Henry II. Đó chính là thể hiện của chữ Nhân: khoan dung với mọi người, kể cả kẻ thù.
Vua Stephen của Anh. Ảnh: Wikipedia.
Đức tính thứ hai, là Nghĩa: chỉ làm và nên làm những việc duy trì đạo lý, lẽ phải; hay nói ngắn gọn là sống có đạo lý. Trong câu chuyện về Stephen và Henry II, một vài năm sau, khi Henry II trưởng thành hơn, ông lại dẫn một đội quân khổng lồ tấn công Stephen một lần nữa. Và lần này, ông đã giành chiến thắng. Một kết quả thú vị ở đây là ông đã kí một hiệp ước với Stephen cho phép Stephen tiếp tục ngồi trên ngai vàng và Henry II sẽ chỉ lên làm vua sau khi Stephen qua đời. Một người sống có nghĩa, là một người biết cách sống có đạo lý, biết trước biết sau.
Vua Henry II của Anh. Ảnh: wikipedia.
Đức tính thứ ba, là Lễ: theo quan điểm của Nho giáo, Lễ bao gồm việc thờ cúng, lễ bái thánh thần, trời Phật và cả những người bề trên của mình. Thực tế, một con người cao quý không chỉ phải biết kính trọng bề trên, mà còn phải biết cách kính trọng bề dưới. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, một bức ảnh đã được lưu truyền rộng rãi tại nước Anh. Đó là bức ảnh chụp vua George VI đang thăm khu nhà ổ chuột tại London. Ông đứng trước một căn nhà tồi tàn, nơi ở của một phụ nữ già nghèo xơ xác và hỏi “Trẫm có thể vào không”? Điều này phản ánh một sự tôn trọng đối với những người ở tầng lớp thấp hơn. Vào ngày 16/10/1793, trên quảng trường Concorde ở Paris, một tù nhân sắp sửa bị hành hình. Bước đến máy chém, người tù nhân vô tình dẫm lên chân của người đao phủ, ngay lập tức bà nói: “Ta xin lỗi, thưa ông”. Điều đó cho thấy rằng, một con người cao quý là một con người không chỉ biết kính trên, mà còn phải biết trọng dưới.
Marie Antoinette. Ảnh: Wikipedia.
Đức tính thứ tư, là Dũng: trong năm đức tính của người quân tử, đức tính này là "trí" mới phải. Tuy nhiên, sự cao quý đạt được là do nỗ lực và sự khổ luyện, chứ không phải là một thứ có sẵn do trời phú. Vậy nên, tôi sẽ thay "trí" bằng "dũng". Ví dụ về đức tính này, thì có tương đối nhiều, như Lục Vân Tiên chẳng hạn, dù anh ta chỉ là một nhân vật văn học.
Đức tính thứ năm, là Tín, tức việc làm nhất quán với lời nói, giữ lời: "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Một ví dụ về điều này, là trong cuộc chiến tranh thành Troy, lão vương Priam không màng nguy hiểm, đêm tối đánh xe ngựa sang doanh trại tướng Achilles để chuộc xác con trưởng Hector. Khi hai người ngồi bên bàn ăn, sau khi Achilles đồng ý trao lại thi thể, lão vương Priam đã xin ngưng chiến 12 ngày để tổ chức tang lễ cho Hector. Và y hẹn, đúng 12 ngày sau, kết thúc tang lễ của Hector thì chiến tranh mới tiếp diễn.
Nhân vật Achilles do diễn viên Brad Pitt thủ vai trong phim Troy (2004). Ảnh: google image.
Những chính trị gia châu Âu có truyền thống đặc biệt – một vị vua, dù đã bị lật đổ, vẫn luôn được đối xử một cách lịch sự đàng hoàng. Điều này đã phản ánh phong cách hiệp sỹ của người châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao trong những cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Âu rất hiếm khi xảy ra việc tuyệt diệt kẻ thù – vốn thường xuyên xảy ra trong những cuộc chiến tại Trung Quốc. Đây chính là sự thể hiện rõ nhất của tinh thần cao thượng, tinh thần ấy cho chúng ta biết được rằng đôi khi “cái chết” còn ý nghĩa hơn “cuộc sống tầm thường”.
Những con người cao quý luôn tranh giành địa vị một cách khoan hồng, rộng lượng. Sau khi phương Tây phát triển trở thành xã hội dân chủ, truyền thống quý tộc vẫn được duy trì trong những tầng lớp chính trị cao hơn.
Abraham Lincoln, vị tổng thống nhân từ. Ảnh: Wikipedia.
Trong cuộc nội chiến Mỹ, khi miền Nam phải đối mặt với việc bị đánh bại về lực lượng quân sự, một số quan chức đã đề xuất kế hoạch phân tán lực lượng – đưa binh lính sống cùng nhân dân và rời lên vùng đồi núi để tiến hành chiến tranh du kích. Nhưng chỉ huy trưởng, đại tướng Robert Lee không thông qua đề xuất này, ông nói rằng: “Chiến đấu là nghĩa vụ của quân lính. Nếu chúng ta làm như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đẩy trách nhiệm ấy sang dân thường. Cho dù không phải là một chiến binh xuất sắc, tôi cũng sẽ không đồng ý làm như vậy. Tôi thà chết như một tù nhân chiến tranh để mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân”. Đối thủ của ông là vị tổng thống lừng danh, Abraham Lincoln, một người khoan hồng, rộng lượng như một nhà quý tộc. Ban đầu, theo quân pháp, lẽ ra tổng thống đã nên bắt giam và xử tử tướng Lee. Nhưng vì mong muốn xoa dịu lòng hận thù giữa 2 miền Bắc Nam nên tổng thống Lincoln đã nói với tướng Lee rằng: “Đã đến lúc ông về hưu rồi. Tại sao ông không về nhà đi?”. Và ngay sau đó, tướng Lee đã về hưu trong danh dự và bắt đầu viết ký sự về cuộc đời mình.
Ba yếu tố quan trọng của tinh thần cao quý:
Đầu tiên là sự giáo dục văn hóa bao gồm việc chống lại những cám dỗ vật chất và sự hưởng thụ cuộc sống, và rèn luyện một tâm tính đạo đức cao quý. Thứ hai là trách nhiệm xã hội, là một tầng lớp xã hội, họ phải đạt được sự tự kỷ luật, trân quý danh dự của một con người và biết giúp đỡ những nhóm người đang chịu thiệt thòi, phục vụ cộng đồng và đất nước. Thứ ba là sự giải thoát tâm hồn; chỉ giữ lại một ý chí độc lập, nói không với quyền lực và tiền tài, giữ vững quyền tự trị về đạo đức và trí thức, và từ chối không trở thành nô lệ của quyền lực chính trị và ý kiến của số đông.
Ý nghĩa thật sự của sự cao quý nằm ở tâm hồn và tư cách đạo đức cao quý của một cá nhân. Điều tốt nhất về sự quý phái là một người sống một cuộc đời trung thực, khoan dung, và tự trọng. Người đó sẽ không từ bỏ phẩm giá của mình vì tiền. Từ quan điểm đó, tinh thần cao quý không có liên hệ gì với sự giàu có. Những người có được một tâm hồn cao quý có thể không giàu và những người giàu sang có thể không cao quý.
Hà Nội, 9/1/2018